Hotline tư vấn 0942765115
Hotline cấp cứu 02773 878 115
banner

CÓ BỊ LÂY KHI NHÌN VÀO MẮT NGƯỜI BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ KHÔNG?

Thứ sáu, 15/09/2023, 14:23 GMT+7

Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là bệnh lý viêm nhiễm vùng kết mạc của mắt. Kết mạc là lớp màng niêm mạc trong suốt lót phía mặt trong mi mắt và bề mặt của nhãn cầu, bắt đầu ở bờ sau mi mắt và tận hết ở rìa giác mạc. Kết mạc mắt rất giàu mạch máu nuôi dưỡng và gồm 3 phần: kết mạc mi mắt, kết mạc cùng đồ, kết mạc nhãn cầu. 
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, từ trẻ nhỏ, người trưởng thành đến người già.

01

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ do nhiễm virus: Bệnh gây ra do virus như Adenovirus, Enterovirus, Herpes.
Đau mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn
Đau mắt đỏ do dị ứng: Các tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi và lông động vật… có thể khiến bệnh kéo dài cho đến khi loại bỏ hoặc tránh xa các yếu tố gây dị ứng.
 
Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc):
Mắt ngứa, cộm như có hạt bụi trong mắt
Mắt đỏ
Mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt
Mi mắt sưng nề, đau nhức
Có thể kèm theo các biểu hiện khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai…
 
Đau mắt đỏ lây như thế nào?
Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, đau mắt đó có thể lây qua đường hô hấp (nguy hiểm và nhanh nhất), qua nước mắt, nước bọt, bắt tay, những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. 
Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng của người bệnh đau mắt đỏ bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang, qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi)
Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…)
Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng… tạo cơ hội cho vi khuẩn đi vào mắt
 
Lưu ý:
Nhiều người bảo rằng chỉ cần nhìn vào mắt đỏ của người đang bệnh đau mắt đỏ là sẽ bị lây bệnh ngày và xin khẳng định rằng điều đó không đúng, không thể nào lây bệnh đau mắt đó chỉ bằng cách nhìn.
Bệnh có thể lây cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng vì việc lây bệnh có thể diễn ra cả ở thời kỳ ủ bệnh (thường là 3 ngày trước khi có triệu chứng) và ngay cả khi bệnh nhân đã điều trị bệnh khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
 
Điều trị đau mắt đỏ như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ nếu được chữa trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng nhưng nếu tự ý dùng thuốc hay điều trị không đúng và không dứt điểm thì có thể dẫn đến các biến chứng viêm, loét giác mạc. 
 
Trường hợp bị đau mắt đỏ, bệnh nhân có thể tự theo dõi tại nhà với các thao tác sau:
Chườm lạnh để giảm sưng và giảm khó chịu cho mắt
Giữ vệ sinh khu vực mắt và rửa tay thường xuyên
Tuyệt đối không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, gối) với người khác
Hạn chế dụi mắt, không đi bơi
Tốt hơn nên nghỉ học, nghỉ làm để đợi mắt khỏi hẳn và tránh lây bệnh
 
Đối với trường hợp cần sử dụng thuốc kê toa, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp dựa theo nguyên nhân gây bệnh. 
 
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) bao lâu thì khỏi?
Bệnh dễ điều trị, thời gian ủ bệnh đến khi phát bệnh và bắt đầu có các triệu chứng là khoảng 3 ngày, thường có thể tự khỏi trong khoảng 7 đến 10 ngày. Nếu được phát hiện và điều trị thích hợp, thời gian khỏi bệnh sẽ còn được rút ngắn hơn nữa. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc chữa trị không dứt điểm có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đau mắt đỏ nên làm gì?
Có thể áp dụng các biện pháp sau để tránh lây lan viêm kết mạc cho người khác và cũng có thể dùng để phòng ngừa nhiễm bệnh đau mắt đỏ: 
Rửa tay thường xuyên 
Giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt: rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.
Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày: nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, ít nhất 2 lần mỗi ngày để làm sạch mắt, đồng thời giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
Tránh dụi mắt bằng tay, nhất là khi đang sinh hoạt chung với nhóm bạn
Không dùng chung khăn, vật dụng cá nhân
Không dùng chung thuốc nhỏ mắt
Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm kết mạc
Nên đeo kính râm khi ra đường để mắt bớt bị chói và bảo vệ mắt
Bổ sung những thực phẩm cung cấp dinh dưỡng tăng đề kháng cho mắt, thực phẩm chứa vitamin A, vitamin E, vitamin C.

Bs.CKI. Huỳnh Chí Hiền – Chuyên khoa Mắt BVĐK Tâm Trí Cao Lãnh

Giới hạn tin theo ngày :