Hotline tư vấn 0942765115
Hotline cấp cứu 02773 878 115
banner

PHƯƠNG PHÁP THỞ VÀ RẶN TRONG CHUYỂN DẠ

Thứ sáu, 22/12/2023, 15:35 GMT+7

Ba giai đoạn chính của quá trình chuyển dạ

Giai đoạn 1: Là sự xóa mở cổ tử cung (dạ con). Nó còn bao gồm pha tiềm tàng chuyển sang pha tích cực khi xuất hiện cơn co tử cung mau hơn, mạnh hơn thúc đẩy cổ tử cung xóa mở. 

Giai đoan 2: Là khi rặn cho bé chào đời.

Giai đoạn 3: Là khi rau sổ.

Mỗi cơn gò tử cung có 3 thì: Thì co, thì kéo dài và thì nghỉ

+ Ở thì co: các mẹ có cảm giác cứng lên, xuất hiện cảm giác đau

+ Ở thì kéo dài: cơn đau tăng dần và đạt đến đỉnh điểm

+ Ở thì nghỉ: cảm giác đau giảm dần đến khi các mẹ không còn thấy đau nữa.

Trong suốt quá trình chuyển dạ, trong mỗi cơn gò của tử cung các mẹ có cảm giác đau từ từ tăng lên, đau nhiều vài chục giây, đau giảm xuống từ từ rồi hết đau trong vài phút. Bệnh viện Tâm Trí Cao Lãnh áp dụng rất nhiều phương pháp giảm đau cho các mẹ, từ các phương pháp đau không dùng thuốc (ngồi bóng, ngâm chân, massage, bấm huyệt, đè giữ hậu môn…), nếu ngưỡng chịu đựng đau các mẹ thấp các mẹ còn phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau hiệu quả nhất mà các mẹ được lựa chọn. Song song các mẹ cũng cần biết cách thở, cách rặn đúng để đảm bảo cung cấp oxy cho bé, mẹ đỡ mệt, đỡ đau và bé được nhanh chóng ra đời.

Cách thở:

- Thì co (cơn gò tử cung xuất hiện) các mẹ hãy hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng sau đó hít vào thật sâu thở từ từ ra bằng miệng

- Thì kéo dài (tức khi cơn đau tăng dần và đến đỉnh điểm) các mẹ hãy thở nhanh hơn, cạn hơn khi cơn đau càng tăng, tần suất nhịp thở tăng dần, khi thở ra làm sao tạo được tiếng huýt sáo nhỏ sau đó thở chậm và thở sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần khi bớt đau.

- Thì nghỉ (cơn đau giảm dần và hết đau) các mẹ lúc đó nên thở sâu và nhẹ nhàng để lấy lại năng lượng đã bị mất khi thở nhanh, tích trữ năng lượng để sử dụng cho lần thở của cơn đau tiếp và các mẹ tranh thủ thư giãn toàn thân nhé với mùi tinh dầu thơm ngát được xông kèm tiếng nhạc du dương (nếu các mẹ muốn)

Cách rặn: Khi các mẹ cảm nhận được cơn gò tử cung là khi bụng gò cứng và cảm giác mắc rặn (các mẹ yên tâm lúc nào cũng có các cô NHS bên cạnh, quan sát cơn co tử cung trên biểu đồ ghi trên máy theo dõi sẽ hướng dẫn các mẹ thời điểm rặn thích hợp nhất, chỉ rặn khi Bác sĩ/ NHS cho phép vì chưa đủ điều kiện để rặn nếu các mẹ rặn sớm sẽ không tốt cho mẹ và bé).

- Dùng mũi hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra bằng miệng, tiếp tục hít sâu vô bằng mũi và thở ra bằng miệng, lặp lại lần 2. Hơi thứ 3 hít một hơi thật sâu giữ hơi đó lại bắt đầu rặn hơi dồn xuống bụng, rặn 2 hơi liên tục và hết cơn gò thì ngừng, nằm nghỉ thở sâu nhẹ nhàng đợi cơn gò kế tiếp

- Khi rặn nên giữ lưng thẳng, áp sát vào bề mặt bàn sanh, mông cong lên phía trước

-  Hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sanh, hai chân đạp mạnh vào hai chỗ tựa bàn chân của bàn sanh
+ Mắt hướng về phía Bác sĩ

+ Người đồng hành giữ tiếp và nâng đầu thai phụ lên cao 45O

+ Nếu thấy mệt cho hít thở sâu đều có thể ngưng không rặn cơn gò kế tiếp

Rặn theo Phương Pháp “Valsalva” (khi cần thiết các mẹ sẽ được hướng dẫn cụ thể)

- Là phương pháp cho thai phụ hít vào, nín thở, đóng thanh môn và rặn 1 hơi thật dài

- Sử dụng để rút ngắn giai đoạn 2 chuyển dạ

- Sử dụng khi độ bảo hòa oxy máu của mẹ giảm làm lượng oxy đến thai nhi giảm

* Rặn theo phương pháp “Valsalva” chỉ khuyến khích áp dụng khi giai đoạn sổ thai kéo dài hoặc cơn gò yếu, tình trạng thai nhi không đảm bảo cần nhanh chóng sổ thai thì sẽ lấy 1 hơi dồn sức rặn trong 10-14 giây

Khi đầu thai nhi tới âm hộ các mẹ áp dụng Phương pháp thở ngắn:

- Lúc phần ụ chẩm phía sau của đầu thai nhi ra thì Bác sĩ sẽ kêu các mẹ ngừng rặn. Trường hợp mẹ sanh con rạ, nếu đầu bé lọt tốt, thì nên kiểm soát việc rặn trước khi phần ụ chẩm ra, nói chung các mẹ cứ giao phó cho Bác sĩ chỉ cần hợp tác tốt kêu ngưng rặn thì phải ngưng rặn. Sau đó thở ngắn (há miệng thở) sẽ chặn được việc bé bị sổ ra ngoài đột ngột làm rách tầng sinh môn. Lúc đó các mẹ cũng nên nhớ dằn mông sát xuống giường để BS đỡ bé ra một cách thuận lợi nhất.

Phần thưởng xứng đáng cho mẹ khi vỡ òa tiếng khóc của đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Một cảm giác hạnh phúc, thiêng liêng ập tới: “Tôi bắt đầu làm Mẹ.”

BS.CKII. Trần Thị Thảo Uyên

Khoa Sản- BVĐK Tâm Trí Cao Lãnh


TAG:

Giới hạn tin theo ngày :