Ngày 20/07/2023 Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Cao Lãnh phẫu thuật thành công ca lồng ruột ở trẻ 5 tháng tuổi. Bé B.G.B sinh tháng 02.2023 vào viện với tình trạng nôn ói, quấy khóc, tiêu phân có máu, bú kém.Qua thăm khám và kết quả siêu âm cho thấy lồng ruột – lệch hạ vị và có ít dịch xung quanh, khoang Morrison. Bác sĩ Khoa Nhi mời Bác sĩ ngoại khoa khám và tư vấn người nhà về bệnh lý lồng ruột của trẻ và phương án điều trị cho bé.
Ekip bác sĩ ngoại khoa tiến hành bơm hơi tháo lồng cho bé B.G.B 2 lần nhưng không không thành công. Bác sĩ tư vấn người nhà về phương án tiếp theo là phẫu thuật cho bé. Sau khi được sự đồng thuận từ gia đình Bé, Ekip bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật.Bác sĩ phẫu thuật thấy được tình trạng lồng ruột dạng hồi tràng – đại tràng lên rất chắc, rất khó tháo lồng. Bác sĩ phẫu thuật đã cẩn thận tháo lồng ruột ra không thấy tổn thương và không có dấu hiệu hoại tử, có nơi tím nhẹ nhưng hồng lại sau khi đắp ấm.
Sau phẫu thuật bé được chăm sóc tại khoa hồi sức sau mổ, sức khỏe bé ổn định, phục hồi tốt và đến 9h sáng ngày 21/07/2023 được bác sĩ Nhi thăm khám sức khỏe một lần nữa trước khi chuyển về khoa ngoại tổng quát phối hợp với khoa Nhi tiếp tục chăm sóc bé.
Bs.CKII. Nguyễn Ngọc Khoa Giám đốc Chuyên môn thông tin lồng ruột là một bệnh lý đường ruột nguy hiểm và thường gặp ở trẻ. Bệnh hình thành là do có một đoạn ruột từ phía trên di chuyển tự do chui vào phần ruột phía dưới (hoặc ngược lại) khiến cho ruột đột nhiên bị tắc nghẽn lưu thông.
Rất khó để xác định nguyên nhân lồng ruột, ở trẻ em ta có thể dựa vào các yếu tố nguy cơ sau:
• Thời kỳ trẻ bắt đầu chuyển từ bú sữa sang ăn dặm khiến ruột bị co bóp bất thường. Ngoài ra, các đoạn ruột ở trẻ có kích thước chênh lệch nhau rất lớn nên dễ dẫn tới lồng ruột;
• Viêm ruột;
• Tuổi tác: độ tuổi dễ bị lồng ruột nhất là từ 3 - 6 tháng tuổi;
• Giới tính: nguy cơ mắc bệnh ở bé trai thường cao gấp 2 - 3 lần so với các bé gái, nhất là ở những bé bụ bẫm;
• Cấu tạo ruột bất thường do bẩm sinh;
• Trước đây đã từng bị lồng ruột;
• Thời điểm mắc bệnh: hay gặp nhất là vào mùa thu và mùa đông;
• Trong gia đình có anh chị em đã từng bị lồng ruột.
Do trẻ còn rất nhỏ chưa thể nói chuyện được nên thường gây khó khăn trong việc khai thác thông tin bệnh. Vì vậy bác sĩ sẽ tìm hiểu thông qua bệnh cảnh như:
• Trẻ vẫn đang ăn uống bình thường nhưng đột nhiên khóc thét, bỏ ăn, bỏ bú, da bắt đầu tím tái là các tín hiệu cho thấy các đoạn ruột bị lồng vào nhau. Tiếp theo, trẻ nín khóc tạm thời, có thể bú lại nhưng nếu cơn đau tái phát thì trẻ lại tiếp tục khóc thét từng cơn, bỏ bú, ưỡn người, có hiện tượng nôn ói nhiều lần;
• Vài giờ sau: da xanh xao, người mệt lả, nhợt nhạt;
• Sau từ 6 - 12 giờ: trẻ đi phân máu lẫn nhầy, môi khô, da lạnh tái, mắt trũng, mạch nhanh;
• Sau 24h mà vẫn chưa điều trị: trẻ nôn ói nhiều lần, da lạnh nhợt nhạt, bụng chướng, thở nhanh nông, mạch nhanh nông, ruột có dấu hiệu hoại tử.
Ở những trẻ đang bị nhiễm siêu vi, ho, sốt hay trẻ từng bị lồng ruột thì việc đột nhiên quấy khóc từng cơn cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh lồng ruột.
Trong trường hợp trẻ bị sốt và mất máu hoặc các biểu hiện trên đã kéo dài trong nhiều giờ liên tục thì cần phải được phẫu thuật ngay.
Khi thấy các trường hợp bất thường của trẻ, Ba Mẹ nên đưa trẻ trực tiếp đến gặp bác sĩ thăm khám và tư vấn.