Hotline tư vấn 0942765115
Hotline cấp cứu 02773 878 115
banner

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MỘNG THỊT

Thứ hai, 29/05/2023, 14:15 GMT+7

1. Mộng thịt là gì?
Mộng thịt là sự tăng sinh lành tính có dạng hình tam giác của lớp mô sợi - mạch dưới kết mạc, xâm lấn qua rìa giác - củng mạc tại vùng khe mi nhãn cầu.
 
Nguyên nhân bệnh mộng thịt
Nguyên nhân chính xác của bệnh mộng thịt hiện nay vẫn chưa được biết đến. Có thể là do việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) có thể dẫn đến những sự tăng trưởng của mộng thịt.
 
Bệnh thường xảy ra ở những người sống ở vùng khí hậu nắng nóng và dành nhiều thời gian ngoài trời trong môi trường nắng hoặc gió. Những người có mắt tiếp xúc với một số yếu tố thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn như:
Sống khu vực khí hậu nóng, khô.
Làm công việc ngoài trời nhiều.
Thường xuyên tiếp xúc với gió, bụi, phấn hoa hay các chất gây kích ứng, khô mắt.
01_1
 
2. Phân loại bệnh mộng thịt:                                                       
Theo tính chất: Mộng tiến triển, mộng thoái triển.
Theo mức độ tiến triển:
+ Độ I: Đầu mộng phát triển tới rìa giác mạc.
+ Độ II: Đầu mộng phát triển qua rìa giác mạc < 2,0mm.
+ Độ III: Đầu mộng phát triển qua rìa giác mạc >2,0 - 4,0mm, tới bờ đồng tử.
+ Độ IV: Đầu mộng phát triển qua rìa giác mạc > 4,0mm vượt quá bờ đồng tử.
02_1
Theo tính chất tái phát: mộng nguyên phát và mộng tái phát.
3. Triệu chứng bệnh mộng thịt:
Triệu chứng cơ năng: Mắt kích thích, đỏ, cộm, xốn, có khi nhìn mờ do mộng thịt che hoặc loạn thị không đều.
Triệu chứng thực thể: Khối mô sợi - mạch hình tam giác phát sinh tại vùng khe mi (góc trong hoặc góc ngoài), phát triển về hướng giác mạc, hình thành đầu mộng, thân mộng và gốc mộng. Tổn thương có thể được tưới máu nhiều và cương tụ hoặc có thể kết hợp với viêm giác mạc chấm nông hoặc có chỗ lõm xuống. Ở đầu mộng có đường viền màu xám sát trên mặt giác mạc.
 
4. Chẩn đoán bệnh mộng thịt:
Chẩn đoán xác định: Dựa trên dấu chứng mô sợi - mạch hình tam giác tại vùng khe mi.
Chẩn đoán độ nặng-giai đoạn:Tùy theo mức độ phát triển của mộng thịt qua giác mạc (từ độ I-IV) và theo tính chất mộng thịt nguyên phát hay tái phát.
 
5. Điều trị bệnh mộng thịt:
Làm giảm bớt kích thích nhãn cầu bằng cách loại trừ các tác nhân gây kích thích mạn tính, phối hợp giữa điều trị nội khoa và ngoại khoa.
Nội khoa:
  • Nước mắt nhân tạo nhỏ tại chỗ, giúp giảm kích thích
  • Mắt kích thích nhiều hoặc mộng viêm: Nhỏ mắt bằng corticoides 3 - 4 lần mỗi ngày, nhưng không dùng kéo dài.
  • Phẫu thuật:
  • Chỉ định: Mộng độ II trở lên, ảnh hưởng chức năng thị giác hoặc vì lí do thẩm mỹ.
  • Phương pháp phẫu thuật:
+ Cắt mộng đơn thuần với mộng thoái triển.
+ Cắt mộng phối hợp ghép kết mạc rìa tự thân.
+ Cắt mộng phối hợp ghép kết mạc rìa tự thân và áp Mytomylin C, áp dụng cho các trường hợp mộng dễ tái phát hoặc tái phát.
Điều trị sau phẫu thuật:
+ Kháng sinh toàn thân uống và nhỏ tại chỗ.
+ Giảm đau.
+ Nhỏ mắt bằng kháng viêm nonsteroid và kháng viêm steroid sau phẫu thuật một tuần.
 
6. Những thói quen giúp hạn chế bệnh mộng thịt:
Đeo kính râm mỗi ngày. Kể cả khi thời tiết u ám do những đám mây không thể ngăn chặn tia cực tím (UV). Nên chọn kính ngăn chặn bức xạ tia cực tím.
Nếu làm những công việc phải ở ngoài trời nhiều hãy cho mắt nghỉ ngơi trong bóng râm sau một thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Các chuyên gia cho biết nên chọn một chiếc mũ có vành để bảo vệ mắt khỏi tia UV và sử dụng nước mắt nhân tạo để giữ ẩm cho mắt ở vùng khí hậu khô. 
                                                        Bs.CKI. Huỳnh Chí Hiền– BVĐK Tâm Trí Cao Lãnh


Giới hạn tin theo ngày :