Khoảng 19h tối ngày cuối tháng 07, khoa Cấp Cứu Bệnh viện Tâm Trí Cao Lãnh tiếp nhận Anh N.H.N 46 tuổi với tình trạng đau đầu nhiều, không nôn ói, không nặng ngực, sưng nhiều vùng chẩm do bị ong đốt 5 mũi, đang điều trị đái tháo đường. Trước đây gần nhà Anh N. có người quen bị ong đốt gây tử vong nên khi gặp tình trạng này người nhà cấp tốc đưa anh N. vào bệnh viện ngay khi phát hiện bị ong đốt.
Sau 30 phút được sự chăm sóc tận tình từ Ekip bác sĩ trực sức khỏe Anh N. dần ổn định và được đưa vào khoa hồi sức tiếp tục theo dõi tiếp.
Sau 12 tiếng chăm sóc bệnh giảm đau đầu, giảm sưng vùng chẩm, không buồn nôn, không nôn ói, được bác sĩ khoa hồi sức thăm khám tái đánh giá lại tình trạng sức khỏe ổn định và chuyển về khoa nội chăm sóc tiếp.
Theo Bs CKI Diệp Anh Tuấn – Khoa Hồi Sức Cấp Cứu: trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, bị ong đốt là một trong những tai nạn thường gặp. Vì thế, nhiều người thường chủ quan với tai nạn này. Nếu có các biểu hiện sau đây cần đưa người bị ong đốt đến các cơ sở y tế gần nhất:
• Bị ong đốt ở nhiều vị trí trên cơ thể, nhất là ở vùng đầu, mặt, cổ
• Xác định được loài ong đốt là ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ, ... Đây là những loài ong có nọc độc mạnh, có khả năng cao gây ra nhiều biến chứng toàn thân.
• Người bị đốt có các triệu chứng khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng, ...
Người bị ong đốt cần phải được theo dõi và phát hiện các biến chứng cấp tính như suy hô hấp, suy thận cấp hay sốc phản vệ.
Tai nạn bị ong đốt mặc dù thường gặp nhưng khá nguy hiểm nên người dân không nên chủ quan. Cách tốt nhất là phòng tránh đừng bị ong đốt bằng các biện pháp sau:
• Tránh xa những khu vực có nhiều tổ ong sinh sống.
• Không dùng gậy, que chọc phá tổ ong, cần đặc biệt căn dặn điều này với trẻ em.
• Tránh đi vào các khu vực nhiều cây cối vào ban đêm vì lúc này thường khó quan sát và hạn chế phát hiện các tổ ong lớn làm tổ ở vị trí thấp.
• Đối với những người nuôi ong lấy mật, cần đảm bảo tốt công tác mang áo quần phòng hộ, tránh để lộ phần da bên ngoài.