Thứ năm, 24/08/2023, 11:03 GMT+7
2 bé song sinh 1 ngày tuổi là con sản phụ T.T.D.H 25 tuổi ngụ Huyện Anh Minh, Kiên Giang sanh mổ song thai 35 tuần 5 ngày thụ tinh thành công bằng phương pháp IVF, 1 bé nam cân nặng 2400 gram và 1 bé gái cân nặng 2400 gram.
Được biết, sau khi thai phụ sanh mổ, bé được nhập hồi sức sơ sinh trong tình trạng suy hô hấp cấp, thở nhanh 75 lần/ phút, mạch 140 lần/ phút, phổi phế âm thô, co lõm ngực, SpO2 90%, tím lòng bàn tay và chân, có hiện tượng cô đặc máu với hematocrit là 69.3%, phản ứng viêm tăng procalcitonin 5.04 ng/mL, chưa tiêu tiểu được. Ekip bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị: đa hồng cầu – suy hô hấp- hạ đường huyết/ nhiễm trùng sơ sinh, song thai 2.
Tại đây, bé được xử trí thở oxy và truyền dịch. Sau điều trị, tình trạng suy hô hấp bé cải thiện dần, cô đặc máu và nhiễm trùng ổn định. Hiện 2 bé đã được xuất viện.
Theo BS. CKI Nguyễn Chí Tâm - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Tâm Trí Cao Lãnh thì đa hồng cầu sơ sinh là tình trạng tăng số lượng hồng cầu làm tăng độ nhớt của máu. Tần suất gặp ở 1 - 5% trẻ sơ sinh. Hiện tượng đa hồng cầu sẽ gây ra cô đặc máu làm nghẽn dòng lưu thông máu đặc biệt các mạch máu nhỏ vì thế sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu oxy ở các mô biểu hiện trẻ tím, đỏ da, bú yếu, khó thở,…
Đa phần các trường hợp bé được điều trị nâng đỡ để tăng lượng nhập và chiếu đèn dự phòng. Với các trường hợp nặng thì trích máu là một thủ thuật lấy bớt đi một lượng máu cần thiết và truyền bù lại một lượng dịch tương đương lượng máu đã được trích ra nhầm làm giảm cô đặc máu giúp lưu thông máu dễ dàng hơn và oxy được vận chuyển đến các mô cũng thuận lợi hơn. Tình trạng đa hồng cầu khi có chỉ định trích máu nếu không được xử trí kịp thời sẽ rất nguy hại cho trẻ.
“Nguyên nhân gây ra bệnh lý đa hồng cầu không thực sự rõ ràng, những tình trạng sau được coi là yếu tố nguy cơ đa hồng cầu như: Mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, song thai có hiện tượng truyền máu thai nhi hoặc có bất thường về các bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý di truyền, kẹp rốn muộn sau sinh,…”, BS CKI Nguyễn Chí Tâm thông tin.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo, để phòng tránh bệnh đa hồng cầu và các bệnh lý khác cho trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai cần khám thai định kì và quản lý thai nghén tốt nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để điều trị và theo dõi.
Đặc biệt các trường hợp bà mẹ bị bệnh lý đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ cần đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều chỉnh đường huyết ổn định trong trong suốt thời gian thai kỳ. Không sử dụng các chất kích thích khi mang thai và có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, khoa học. Trẻ sơ sinh cần được theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường như ngủ li bì, bú kém, sốt, vàng da, thở bất thường… và cần đưa trẻ đến khám và điều trị tại bác sĩ chuyên khoa kịp thời.