Thứ sáu, 18/04/2025, 10:56 GMT+7
Tầm quan trọng của dinh dưỡng
Ở bệnh nhân ung thư, tình trạng suy kiệt phần lớn là do khối u tác động đến cơ thể. Các tế bào ung thư hoạt động mạnh mẽ khiến quá trình chuyển hóa thông thường bị biến đổi, dẫn đến năng lượng bị tiêu hao nhiều hơn, mô, cơ và các tế bào trong cơ thể bị phá hủy nghiêm trọng.
Vì vậy, tình trạng suy kiệt thể lực và tinh thần là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, việc sụt cân nghiêm trọng còn khiến nhiều bệnh nhân không thể tiếp tục các liệu trình điều trị, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị và giảm tiên lượng sống. Nếu không được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách, bệnh nhân có nguy cơ cao gặp các biến chứng, nhiễm trùng, và thậm chí là tử vong.
Hướng dẫn cải thiện dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Xem thức ăn là thuốc.
Luôn có thức ăn bên mình, ăn khi có thể.
Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Chọn thực phẩm giàu đạm, năng lượng.
Chế biến món ăn đa dạng, hợp khẩu vị.
Ăn theo sở thích.
Nhờ người thân nấu giúp.
Ăn cùng gia đình để tăng tinh thần.
Một số vấn đề thường gặp và cách khắc phục
1. Ác cảm với thức ăn
Thường xảy ra với thực phẩm gây khó chịu ở lần điều trị trước (thịt, rau, caffeine, chocolate,...).
Tỷ lệ 30–50%, kéo dài vài tuần – vài tháng.
Giải pháp: Không ăn những món gây khó chịu khi đang mệt, ăn lại khi tình trạng nôn và buồn nôn được kiểm soát.
2. Duy trì năng lượng trong suốt quá trình điều trị
Carbohydrate tốt: trái cây, ngũ cốc, tinh bột, sữa, sữa chua.
Protein tốt: đậu, hạt mầm, trứng, phô mai, thịt, cá, gia cầm, đậu phụ, bột đạm.
Thực phẩm gợi ý: bánh mì ngũ cốc, bánh quy, phô mai, bơ đậu phộng, bánh rán ngũ cốc nguyên hạt.
3. Tránh mất ngủ
Giữ thói quen ngủ - thức đúng giờ.
Tránh ngủ trưa dài hoặc trễ.
Ngủ trong môi trường yên tĩnh, sạch sẽ.
Uống sữa ấm trước khi ngủ, tránh caffeine/rượu.
Duy trì vận động nhẹ nhàng.
Thư giãn: xoa bóp, nghe nhạc, nói về nỗi lo lắng trong ngày.
Sử dụng thuốc hỗ trợ ngủ (nếu cần).
4. Giảm buồn nôn và nôn
Ăn nhiều bữa nhỏ, tránh để bụng trống.
Ăn đồ khô như bánh quy, ngũ cốc khô, uống nước xen kẽ.
Tránh đồ béo, cay, có mùi mạnh.
Ăn thức ăn nguội hoặc ở nhiệt độ phòng.
Sử dụng ống hút hoặc cốc có miệng rót.
Khi nôn:
Hít thở sâu, không nằm ngay sau ăn.
Dùng thuốc chống nôn sớm, chia nhiều lần.
Súc miệng sau khi nôn để tránh mòn răng.
Thử bấm huyệt cổ tay, suy nghĩ tích cực.
5. Khó chịu do mùi thức ăn
Mở cửa, bật quạt khi nấu.
Nấu khi bệnh nhân ngủ hoặc không có ở nhà.
Dùng thức ăn chế biến sẵn.
Tránh nước hoa, mùi mạnh gây buồn nôn.
6. Rối loạn vị giác
Súc miệng trước và sau ăn.
Giữ vệ sinh răng miệng.
Thử món mới, thay đổi cách chế biến.
Dùng dao nhựa, đồ nấu bằng thủy tinh.
Thử kẹo chanh, bạc hà, kẹo cao su (nên chọn loại có xylitol nếu khô miệng).
Uống nhiều nước, nhai chậm.
7. Khô miệng
Chọn thực phẩm mềm, có nước.
Uống nước thường xuyên.
Ngâm thức ăn vào chất lỏng.
Thêm bơ, sữa, sốt, nước dùng khi chế biến.
Hạn chế cà phê, trà, rượu, thuốc lá.
Tránh món cay, mặn.
8. Đau, lở miệng
Ngăn ngừa là tốt nhất: vệ sinh răng miệng đều đặn.
Chế độ ăn khi đau miệng:
Ăn món mềm, nghiền nhỏ.
Tránh nước ngọt, thức ăn lợn cợn, quá nóng/lạnh, mặn, chua, cay.
Không dùng cà phê, rượu, thuốc lá.
9. Tiêu chảy
Bổ sung đủ nước: 2–2.5 lít/ngày.
Uống từng ngụm suốt ngày.
Nên uống nước lọc, trà nhạt, nước ép loãng, nước điện giải.
Công thức điện giải tự chế: 1 muỗng canh đường + ½ muỗng cà phê muối + 1 lít nước.
Thực phẩm gợi ý: cơm trắng, cháo, trứng, gà không da, cá nạc.
Tránh: trái cây, rau sống (ngoại trừ chuối chín).
10. Táo bón
Uống nhiều nước (2 lít/ngày).
Tăng vận động thể lực.
Bổ sung chất xơ (cả xơ tan và không tan):
Xơ tan: súp, trái cây, rau.
Xơ không tan: cám lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, đậu.
11. Giảm bạch cầu
Ăn chín, uống sôi.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ăn ngay sau khi nấu, không để lâu quá 2 giờ.
Hạn chế ăn ngoài.
Dùng sữa tiệt trùng.
Rửa kỹ rau củ, gọt vỏ trước khi ăn.
Uống nước đóng chai, có nguồn gốc rõ ràng.
12. Thiếu máu
Ăn đủ năng lượng và đạm.
Bổ sung thực phẩm chứa sắt: thịt bò, gan, tim, huyết, sò huyết, rau xanh đậm, khoai tây, nước cam.
Dùng thuốc bổ sung sắt khi đói.
Truyền máu nếu cần thiết.
Sau điều trị
Nếu còn tác dụng phụ: tiếp tục điều trị triệu chứng.
Nếu bệnh được kiểm soát:
Duy trì cân nặng.
Tăng cường miễn dịch.
Ăn uống cân bằng, khoa học.
Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan.
Nếu bệnh tiến triển xấu (chăm sóc giảm nhẹ):
Đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Quan tâm tinh thần bệnh nhân.
Gia đình gần gũi, sẻ chia, hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các mong muốn cuối đời.
BS Phan Thị Hồng Phấn
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Cao Lãnh