Thứ tư, 15/02/2023, 08:08 GMT+7
Tiểu đường được phân thành hai loại gồm type 1 và 2. Trong đó, tiểu đường type 1 thường gặp ở người trẻ, liên quan đến cơ chế tự miễn gây thiếu hụt insulin là chất có tác dụng làm giảm đường máu. Tiểu đường type 2 chiếm tỷ lệ chủ yếu và thường liên quan đến đề kháng insulin.
Điển hình như béo phì và ít vận động là hai yếu tố chính dẫn đến sự tăng lên và trẻ hóa bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Các số liệu thống kê chỉ ra, hầu như các trường hợp người trẻ mắc đái tháo đường thường có chế độ sinh hoạt, ăn uống không khoa học. Thay vì sinh hoạt điều độ, tăng cường thể thao thì phần lớn các bạn dành quá nhiều thời gian xem điện thoại, máy tính, làm bạn với đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh,......
Theo một khảo sát về thói quen hoạt động của trẻ em hiện nay, 50% trẻ đều chơi game và đa phần không vận động đủ theo lượng thời gian khuyến khích của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới là ít nhất 60 phút mỗi ngày.
Biến chứng đái tháo đường ở người trẻ rất nguy hiểm. Các nghiên cứu cho thấy, đối với người trẻ tuổi mắc bệnh đái tháo đường tỉ lệ biến chứng rất cao, thời gian dẫn đến biến chứng sớm và tiến triển nặng hơn.
Những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường có thể gặp như tổn thương giảm thị lực, tăng huyết áp, tổn thương thần kinh ngoại biên gây tê bì tay chân, tổn thương thận dẫn đến suy thận, xơ vữa mạch máu gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não và có thể gây tử vong.
Bệnh đái tháo đường có thể phòng ngừa được thông qua hoạt động thể chất thường xuyên và chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Lợi ích của các loại rau quả giàu chất xơ là làm chậm quá trình hấp thụ đường, giảm lượng đường trong máu; cản trở sự hấp thụ chất béo, cholesterol trong chế độ ăn uống. Chúng còn có thể ngăn các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến tim mạch như huyết áp, viêm nhiễm...; giảm cảm giác thèm ăn, mau no và lâu đói hơn. Người bệnh nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường, ít chất xơ hoặc chất dinh dưỡng như bánh mì trắng, bánh ngọt, nước ép trái cây, thực phẩm chế biến chứa đường...
Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường nhiều hơn so với người không hút thuốc. Bỏ hút thuốc hoặc không hút giúp phòng ngừa đái tháo đường.
Người bệnh đái tháo đường không nên hút thuốc lá, hạn chế ở gần khu vực khói thuốc lá.
Uống rượu với liều lượng vừa phải: Uống rượu lượng vừa phải có thể giảm nhưng uống quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
Thường xuyên kiểm tra đường huyết: Cùng với các cách phòng bệnh đái tháo đường trên, người bệnh cũng nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ về thời gian và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt, giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến căn bệnh này.