Permanent Doctor 0942765115
Emergency Hotline 02773 878 115

THIẾU MÁU NÃO

Monday, 22/01/2024, 10:03 GMT+7

       Theo thống kê tại Việt Nam, tỉ lệ những người được chẩn đoán thiếu máu não lên đến 80%. Đây là một trong những bệnh lý cần được quan tâm bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, người bệnh cần hiểu rõ về bệnh để có những cách phòng tránh và điều trị phù hợp. 

       Thiếu máu não ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa hơn, tình trạng này gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động, chức năng của não bộ cũng như sức khỏe chung của con người. Dấu hiệu thiếu máu não, đặc biệt là giai đoạn đầu và tiến triển khá mờ nhạt nên nhiều người bệnh còn thờ ơ, chủ quan. Điều này khiến cho bệnh tiến triển gây biến chứng nặng, nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe của người bệnh.

1. Thế nào là bệnh thiếu máu não?

        Não bộ con người tuy chỉ chiếm 2% trọng lượng của toàn bộ cơ thể nhưng để có thể duy trì được hoạt động bình thường thì nó lại đòi hỏi phải được cung cấp 25% lượng oxy trong hệ tuần hoàn, 20% lượng máu từ tim cùng 25% lượng đường trong máu. Do đó, một khi quá trình cung cấp máu bị ngưng trệ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não và khiến cho chức năng của não bị ảnh hưởng (một phần hoặc nhiều phần).

        Trước đây, thường những người trung niên và cao tuổi có tỉ lệ mắc bệnh thiếu máu não cao hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh lý này có dấu hiệu trẻ hóa và có thể bắt gặp cả ở những người trẻ tuổi như giới văn phòng hay tầng lớp lao động trí óc…

2. Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu não

Có nhiều nguyên nhân có khả năng dẫn đến tình trạng này, cụ thể như:

- Xơ vữa động mạch gây hẹp long mạch.

- Thoái hóa đốt sống cổ, chấn thương cột sống.

- Co mạch máu.

- Huyết áp cao.

- Đái tháo đường.

- Béo phì.

- Rối loạn mỡ máu.

- Các bệnh lý về tim mạch.

        Ngoài các nguyên nhân về bệnh lý như kể trên, tình trạng này cũng có thể xuất phát từ những thói quen sống không lành mạnh như:

- Lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...

- Lười tập thể dục thể thao.

- Chế độ ăn uống nhiều chất béo và dầu mỡ, ít chất xơ.

- Khi ngủ hay gối cao đầu.

- Làm việc với điện thoại, máy tính trong thời gian dài.

- Thường xuyên lao động trí óc với cường độ cao.

3. Thiếu máu não có những triệu chứng điển hình như thế nào?

       Dù do nguyên nhân nào thì chứng thiếu máu não cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Tuy nhiên nhiều người chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này cũng như dấu hiệu để nhận biết bệnh. Đặc biệt khi tình trạng thiếu máu não đang ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa do áp lực tinh thần, thói quen sống lười vận động và mắc các bệnh lý khác.

         Người bệnh thiếu máu não giai đoạn khởi phát thường không phát hiện được bệnh do triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm xoang, tiền mãn kinh, rối loạn tiền đình,… Vì thế mà bệnh dễ bị bỏ qua, không được điều trị triệt để dẫn đến biến chứng nguy hiểm. 

         Thiếu máu não có 2 dạng là cơn thiếu máu não thoáng qua và thiếu máu não bệnh lý, nguyên nhân và triệu chứng có nhiều khác biệt.

       3.1. Dấu hiệu thiếu máu não bệnh lý

          Nguyên nhân gây thiếu máu não bệnh lý có hơn 80% bắt nguồn từ xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó còn do chấn thương đốt sống cổ, các bệnh lý liên quan đến tim mạch,... Thông thường nếu không điều trị và kiểm soát, tình trạng hẹp mạch máu sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, mức độ nguy hiểm của bệnh cũng ngày càng cao. 

            3.1.1.  Đau đầu

       Đau đầu thường là biểu hiện của những vấn đề về mặt tâm lý, có thể xuất hiện nhiều khi bạn ở trong trạng thái căng thẳng, stress. Tuy nhiên, đây cũng được coi là một trong những dấu hiệu điển hình của chứng thiếu máu não. 

       Hiện tượng đau đầu thường bắt đầu với cảm giác đau nhói ở một vùng đầu cố định, sau đó sẽ lan ra khắp đầu. Cảm giác nặng đầu cũng có thể bắt gặp khi suy nghĩ nhiều, khi di chuyển hoặc lúc mới ngủ dậy. 

            3.1.2.  Hoa mắt chóng mặt

       Triệu chứng hoa mắt chóng mặt nếu xuất hiện khi bạn đang bị ốm sốt hoặc mệt mỏi thì sẽ không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu cảm giác này xuất hiện một cách bất ngờ khi cơ thể hoàn toàn bình thường thì đây có thể là do bệnh thiếu máu lên não gây ra. Bên cạnh đó, chứng bệnh này cũng có thể khiến người bệnh có cảm giác ù tai ngay trong không gian yên tĩnh.  

            3.1.3.  Chân tay tê mỏi

        Bệnh nhân mắc chứng thiếu máu não đôi khi sẽ thấy như dưới da có kiến bò râm ran và có cảm giác tê bì ở các đầu ngón tay, chân. Ngoài ra, các cử động vận động thường ngày cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cảm giác đau mỏi vai gáy. 

        Đặc biệt, tình trạng thiếu máu cục bộ nghiêm trọng có thể dẫn đến những triệu chứng nguy hiểm như khó khăn khi nói, cứng môi, cứng hàm, thậm chí tê liệt mặt.

           3.1.4.  Suy giảm thị lực

        Cấu trúc các dây thần kinh trong não thường có hệ thống tương đối phức tạp. Thiếu máu lên não khiến cho não thiếu oxy và dẫn đến khả năng nhìn của mắt bị ảnh hưởng, cụ thể như mờ một bên mắt hoặc cả hai bên, hoa mắt,...

             3.1.5.  Mất ngủ

         Tình trạng tuần hoàn máu lên não bị chậm hoặc tắc nghẽn có thể được cảnh báo bằng những vấn đề về giấc ngủ như ngủ không sâu giấc, giấc ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc giữa đêm,...

          Không những vậy, khi não không được cấp đủ máu kịp thời còn có thể gây rối loạn về mặt tâm lý, mất khả năng tập trung hoặc suy giảm trí nhớ, nghiêm trọng là trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

           Các vấn đề về giấc ngủ cũng là dấu hiệu cảnh báo chứng thiếu máu não

              3.1.6.  Đau dọc sống lưng

            Đối với những bệnh nhân mắc chứng thiếu máu não, đôi khi sẽ thấy có cảm giác lạnh sống lưng, đau dọc sống lưng hoặc đau dọc đoạn vai gáy. 

        3.2. Dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu não thoáng qua

           Cơn thiếu máu não thoáng qua do cục máu đông tắc ở động mạch máu nuôi não và sẽ biến mất khi cục máu đông bị loại bỏ hoặc di chuyển sang khu vực khác. Vì thế cơn thiếu máu não thoáng qua là cấp tính, thường kéo dài dưới 10 phút, sau đó bệnh nhân không gặp phải biến chứng gì. Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua khá giống với đột quỵ, song mức độ nhẹ hơn và ít nguy hiểm hơn:

            Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua là cảm giác yếu bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, mù mắt tạm thời (có thể 1 hoặc 2 mắt), chóng mặt, bối rối, tê liệt, khó khăn trong giữ thăng bằng và đi lại,… Ở một số người, triệu chứng có thể đa dạng hoặc ít hơn.

             Sau khi cơn thiếu máu não thoáng qua đi qua, triệu chứng biến mất và người bệnh không gặp phải biến chứng nào. Tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ não nên cần chẩn đoán và theo dõi kỹ càng.

  4. Các phương pháp điều trị và phòng ngừa thiếu máu não

         4.1. Điều trị các bệnh lý tiềm ẩn có liên quan

           Trước hết, người mắc chứng thiếu máu não cần được thăm khám và sàng lọc các bệnh lý tiềm ẩn có liên quan như bệnh béo phì, bệnh tim, xơ vữa động mạch,...      Việc xác định được những bệnh lý tiềm tàng này là rất quan trọng bởi nó giúp giảm thiểu được tối đa nguy cơ dẫn đến thiếu máu não. 

            Cụ thể như thay đổi chế độ dinh dưỡng giúp giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý ở người béo phì hay can thiệp phẫu thuật nhằm loại bỏ mảng bám xơ vữa ở người bị xơ vữa động mạch,...

           4.2. Phương pháp hỗ trợ điều trị 

       Các phương pháp hỗ trợ điều trị có thể được chỉ định với người thiếu máu não như:

- Bấm huyệt.

- Châm cứu.

- Xông hơi.

- Xoa bóp.

          Đặc biệt, để có thể phòng ngừa và điều trị bệnh một cách có hiệu quả nhất thì việc duy trì một lối sống khoa học, lành mạnh là yếu tố không thể thiếu:

- Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất, rau xanh,...

- Hạn chế và tốt nhất là tập từ bỏ các thói quen xấu: ngủ kê cao gối, dùng nhiều điện thoại, máy tính,...

- Tránh lạm dụng các chất kích thích, cai rượu bia, thuốc lá. 

- Không để xảy ra tình trạng béo phì, thừa cân và duy trì cân nặng lý tưởng. 

- Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao đều đặn 30 phút mỗi ngày.

- Thường xuyên theo dõi các bệnh lý mãn tính (nếu có), kiểm soát tốt lượng mỡ máu, đường huyết, huyết áp. 

- Định kỳ 6 tháng/lần nên khám sức khỏe tổng quát. 

         Duy trì chế độ sống lành mạnh và khoa học giúp ngăn ngừa thiếu máu não

         Các chuyên gia cho rằng thiếu máu não là một trong những chứng bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần lưu ý đi khám ngay nếu có những dấu hiệu ban đầu. 

  5.  Giải pháp phòng và chữa thiếu máu não

             Bản chất các tổn thương ở não trong thiếu máu não là do thiếu oxy và glucose lên não. Khiến cho tế bào thần kinh bị thiếu năng lượng,  rối loạn vận chuyển ion làm tổn thương tế bào thần kinh. Hướng điều trị chủ yếu là ngăn không cho mạch máu bị hẹp bị tắc. Đồng thời giảm thiểu tối đa nguy cơ hình thành cục máu đông. Người bệnh không nên xem nhẹ hoặc chủ quan, cần đi thăm khám định kỳ để kiểm soát tình hình bệnh. 

           5.1. Biện pháp phòng ngừa

  • Nghỉ ngơi thư giãn mỗi 10 phút khi làm việc trí óc liên tục 2 tiếng.
  • Chơi thể thao, đi du lịch để giảm thiểu stress và tái tạo năng lượng sống. Luôn lạc quan yêu đời, thư giãn hạn chế căng thẳng. 
  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm công nghệ hàng ngày như tivi, laptop, smartphone.
  • Tạo thói quen ăn uống khoa học, ăn nhiều rau củ, trái cây, chất xơ, hạn chế chất đạm, chất béo.
  • Thăm khám bác sĩ ngay khi gặp phải các triệu chứng bất thường. Đồng thời kiên trì điều trị dứt điểm khi phát hiện có tình trạng thiếu máu não.

           5.2.Phươngphápđiềutrị

                5.2.1. Phương pháp ngoại khoa:

         Chỉ định ở những bệnh nhân có biểu hiện tai biến mạch máu não tạm thời, nguyên nhân do xơ vữa động mạch cảnh trong hoặc động mạch đốt sống thân nền.

  • Đối với động mạch cảnh trong:  Phẫu thuật khai thông động mạch – kỹ thuật ghép hoặc bắc cầu.
  • Đối với động mạch đốt sống – thân nền:  Phẫu thuật lấy huyết khối, khai thông động mạch, bắc cầu, cắt bỏ các quai bất thường của động mạch đốt sống.

                  5.2.2.  Biện pháp dùng thuốc

  •    Các thuốc có cả dạng tiêm và uống như tanganil; thuốc dạng uống đơn thuần như sibelium; betaserc…
  •    Các thuốc cải thiện tuần hoàn não tác động trên nhiều cơ chế khác nhau như: stugeron làm giãn mạch não hoặc tăng cung cấp oxy não như duxil hoặc tăng lưu thông mạch máu như piracetam… 
  •    Các thảo dược thiên nhiên có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết để cải thiện nguyên nhân huyết hư huyết ứ. Một số thảo dược thường được sử dụng phổ biến như:

                – Thục địa, Xích thược: Giúp bổ huyết, dưỡng huyết, sinh huyết, tăng sản xuất hồng cầu, cải thiện số lượng và chất lượng máu  

              – Xuyên khung, Đương quy: Giúp bổ huyết, hoạt huyết, tăng cường lưu thông-máu.
               – Ngưu tất, Hồng hoa, Ích mẫu: Giúp hoạt huyết, tăng cường lưu thông máu
                – Cao khô Bạch quả: Giúp cải thiện tuần hoàn máu não, tiêu mỡ, tan cục máu đông

          Cần lựa chọn các sản phẩm kết hợp hài hòa giữa các thảo dược bổ huyết và các thảo dược hoạt huyết. Vừa giúp sinh huyết vừa giúp thông mạch, giảm máu ứ trệ. Từ đó giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện tuần hoàn máu não. Đồng thời khắc phục nhanh chóng tình trạng thiếu máu não hiệu quả và bền vững. 

       6. Thiếu máu não có nguy hiểm không?

        Theo WHO, đây là bệnh gây tử vong cao thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Để đánh giá mức độ nguy hiểm của thiếu máu não, cần dựa trên nguyên nhân và mức độ bệnh cũng như tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh. Song việc điều trị, kiểm soát thiếu máu não là cần thiết, nên thực hiện càng sớm càng tốt tránh biến chứng nguy hiểm như: đột quỵ, suy giảm chức năng não, mất trí nhớ, chết tế bào não,…

       Nắm được dấu hiệu thiếu máu não sẽ giúp bạn đọc sớm nhận biết khi bản thân hoặc người xung quanh gặp phải tình trạng này. Không nên chủ quan với những dấu hiệu nhẹ nhất bởi bệnh hoàn toàn có thể tiến triển âm thầm và nguy hiểm.

 

Bs.CKI. Lương Minh Dũng – Khoa Khám Bệnh

Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Cao Lãnh


TAG: