Permanent Doctor 0942765115
Emergency Hotline 02773 878 115
banner

Điều trị lồng ruột ở trẻ em bằng kỹ thuật bơm hơi tại BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp, một kỹ thuật ít xâm lấn nhưng hiệu quả rất cao

Wednesday, 06/01/2021, 15:27 GMT+7

Lồng ruột là bệnh lý ngoại khoa, thường gặp ở trẻ em. Đây là tình trạng một đoạn ruột ở phía trên chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới, làm gián đoạn sự lưu thông của ruột. Khối lồng càng chặt thì thiếu máu nuôi càng nhiều gây ra viêm và tổn thương ruột. Nếu xử lý không kịp thời khối lồng sẽ bị viêm hoại tử và nhiều biến chứng có thể gây tử vong. 

photo-1-1609812127012410035747

Tình trạng một đoạn ruột ở phía trên chui vào lồng của đoạn ruột phía dưới, làm gián đoạn sự lưu thông của ruột

Bệnh nhân lồng ruột thường bị đau bụng từng cơn dữ dội, đau thường xuất hiện đột ngột, bệnh nhân thường có xu hướng gấp gối vào ngực. Cơn đau thường làm cho trẻ khóc rất to (khóc thét). Khi cơn đau dịu đi, trẻ sẽ ngưng khóc trong một lúc và cảm thấy dễ chịu hơn. Cơn đau thường đến và đi như thế, và khi đau trở lại có thể đau nhiều hơn.

Các triệu chứng bao gồm: Quấy khóc, khó chịu, bứt rứt, chướng bụng, nôn ói, nặng hơn sẽ nôn ra dịch mật, dịch màu xanh hơi vàng vị đắng, và tiêu phân nhầy máu, như thạch…trụy tim mạch do mất nước hay nhiễm trùng nhiễm độc, nếu không xử trí kịp thời sẽ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Nguyên nhân, khoảng 80-90% lồng ruột ở trẻ em không có nguyên nhân, thường dưới 01 tuổi. Nhiều giả thuyết: Ruột trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh; Là thời kỳ chuyển từ bú sang ăn dặm nên ruột dễ bị co bóp bất thường; Sự phát triển không đồng bộ giữa ruột non và ruột già. Một số trường hợp lồng ruột có nguyên nhân, thường là khối u trong lồng ruột hoặc polyp lồng ruột chiếm khoảng 10%.

Khi xác định là lồng ruột thì phải xử trí ngay, nếu chậm trễ sẽ để lại hậu quả rất nặng nề. Trước đây khi chưa có kỹ thuật tháo lồng bằng hơi, thường thì bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật để tháo lồng, nhưng ngày nay với kỹ thuật tháo lồng đã được ứng dụng và máy tháo lồng có chức năng kiểm soát được áp lực bơm vào rất tốt, không làm vỡ ruột do áp lực quá cao… và đặc biệt là có cảm ứng báo hiệu khối lồng đã được tháo xong, nên ứng dụng điều trị tháo lồng rất hiệu quả và rất an toàn cho trẻ.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Trí Đồng Tháp tiếp nhận bệnh nhi 6 tháng tuổi (ngụ xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) bị đau bụng và ói vọt sữa sau khi bú, nhập cấp cứu BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp. Qua thăm khám và siêu âm, các bác sĩ xác định khối lồng ruột ở hạ sườn phải, bệnh nhi được chẩn đoán lồng ruột có chỉ định bơm hơi tháo lồng ruột cấp cứu.

Các bác sĩ BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp đã thực hiện tháo lồng bằng máy cho bệnh nhi, trong vòng khoảng 15 phút xử trí, dưới sự báo hiệu thoát áp của máy, khối lồng đã được tháo, qua siêu âm kiểm tra tại phòng mổ, khối lồng không còn, bé đã hồi phục, và xuất viện ngày hôm sau. 

Theo Bác sĩ CK2 Ngô Minh Nghĩa, Giám đốc chuyên môn của BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp đây là phương pháp xử trí rất hiệu quả, can thiệp ít xâm lấn một cách tối ưu nhất để tháo lồng ruột cho bệnh nhi mà không cần phẫu thuật, bệnh nhi sẽ được ăn uống và bú sữa sớm sau can thiệp, rất nhanh chóng hồi phục sức khỏe so với phải phẫu thuật.

photo-1-1609812128522665153654

 

Bơm hơi tháo lồng ruột tại BV Tâm Trí Đồng Tháp

Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo các bà mẹ có con nhỏ khi có biểu hiện đau bụng, quấy khóc, nôn ọc bất thường, đây có thể là trẻ bị lồng ruột, nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, để xác định sớm bệnh lồng ruột và được can thiệp kịp thời, tránh diễn tiến nặng của lồng ruột mà phát hiện trễ đó là: hoại tử ruột, nhiễm trùng nhiễm độc, biến chứng sốc rất nguy hiểm có thể tử vong; Một điều lưu ý là bệnh nhi đã bị lồng ruột 1 lần thì nguy cơ lồng ruột tái phát càng cao. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý các triệu chứng trên của lồng ruột để đưa cháu đến BV để điều trị kịp thời.


Thành Tín