Permanent Doctor 0942765115
Emergency Hotline 02773 878 115
banner

Chụp MRI toàn thân giúp phát hiện những bệnh gì?

Thursday, 10/05/2018, 14:43 GMT+7

Phát hiện sớm bệnh tật hay vấn đề về sức khỏe rất quan trọng, nó cho phép cả bệnh nhân và bác sĩ đưa ra quyết định chăm sóc sớm trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện, hoặc có sự lựa chọn điều trị tốt nhất.

chup-mri

Chụp MRI toàn thân có thể được thực hiện ở 2 nhóm đối tượng sau:

- Thực hiện trên người bình thường trong nghiên cứu sàng lọc.

- Bệnh nhân có khối u ác tính đã biết hoặc một bệnh khác nhằm đánh giá mức độ của bệnh.

Chụp MRI toàn thân để sàng lọc thông thường tập trung trên những vùng hay cơ quan bộ phận của cơ thể được ghi nhận mang lại lợi ích nhiều nhất từ phát hiện sớm. Không chỉ lợi ích từ các bệnh ung thư được phát hiện sớm như: Ung thư tế bào thận, ung thư gan hoặc một số ung thư phụ khoa… Chụp MRI toàn thân còn giúp sàng lọc tập trung vào các bệnh đe dọa tính mạng như: Bệnh phình động mạch, đột quỵ, bệnh mạch máu… mà bệnh nhân không phơi nhiễm bởi bức xạ ion độc hại.

Các vùng và cơ quan cơ thể thường dùng MRI để sàng lọc như sau:

- Phình động mạch: Phình động mạch não và động mạch chủ bụng có nguy cơ tử vong cao khi bị vỡ, nhưng khi phát hiện sớm có kỹ thuật xâm nhập tối thiểu để điều trị.

- Thận: Những khối u của thận thông thường không có triệu chứng, nhưng khi phát hiện sớm sẽ có tiên lượng tốt.

- Bệnh tụy: Phát hiện được ung thư và quá trình viêm.

- Bệnh đường mật: Sỏi mật, bất thường túi mật và đường mật.

- Vùng chậu: Ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng cho đến khi ở giai đoạn trễ có tỉ lệ tử vong cao. Phát hiện sớm có thể cải thiện sự sống còn.

- Gan: Các tổn thương ở gan có thể phát hiện rõ ràng, đặc biệt có giá trị ở những người bị bệnh gan mạn tính.

- Các khối u phần mềm: Neurofibromatosis, fibromatosis…

Tuy nhiên, chụp MRI toàn thân thường không có khả năng đánh giá hiệu quả bệnh động mạch vành hay đánh giá ung thư phổi (chụp CT scan tốt hơn)… Ngoài ra, MRI không phải là lựa chọn tốt cho chẩn đoán giai đoạn sớm của ung thư đại tràng hay tiền liệt tuyến…

Trong quá trình chụp MRI toàn thân, nếu bộ phận cơ quan nào có hình ảnh nghi ngờ hoặc không rõ, Bác sĩ có thể cho chỉ định chụp lại bộ phận đó với nhiều lớp cắt hoặc có kèm thuốc cản quang để cho hình ảnh rõ nét giúp chẩn đoán được dễ dàng.

Nhìn chung, MRI toàn thân là một phương tiện sàng lọc tốt để phát hiện sớm một số bệnh lý, nhưng cũng cần có sự kết hợp thêm các xét nghiệm máu, nước tiểu… và một số phương tiện khác nữa trong phát hiện bệnh mà nếu chỉ dựa vào MRI không thể phát hiện được.

Cuối cùng, cũng cần hiểu MRI không thể thay thế Bác sĩ chẩn đoán mà chỉ là phương tiện trợ giúp Bác sĩ chẩn đoán. Bác sĩ có thể khuyến cáo bạn nên thực hiện các phương tiện sàng lọc nào tốt nhất dựa trên sức khỏe cá nhân, tuổi tác, bệnh sử gia đình… của bạn để đạt được lợi ích tốt nhất tránh sự tốn kém không cần thiết.


Thành Tín